Tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm và yếu tố quyết định thành công trong kỷ nguyên mới
Anh Thơ | 01/12/2024
(Chinhphu.vn) - Cả nước đang phấn đấu thi đua để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và chuẩn bị cho năm mới 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây là năm bản lề hết sức quan trọng để thực hiện thành công các Nghị quyết của Đảng cũng như các chương trình hành động của Chính phủ. Trong niềm vui chung đó, toàn Đảng, toàn dân ta đang rất hào hứng và phấn khởi đón nhận những thông điệp hết sức quan trọng từ Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó, trước hết là những nội dung về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để làm rõ hơn ý nghĩa từ thông điệp của Tổng Bí thư, Báo điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với PGS. TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản.
Thưa ông, xin ông làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm?
PGS.TS Đào Duy Quát: Trước Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong nhiều bài phát biểu, đặc biệt là trong các bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra thông điệp mà chúng tôi gọi là tư tưởng lớn, đó là đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Và tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa rồi, Trung ương đã hoàn toàn nhất trí với thông điệp này và ra nghị quyết để cụ thể hóa tư tưởng của Tổng Bí thư, chuẩn bị đưa vào văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đại hội này sẽ cụ thể hóa tư tưởng, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm thành đường lối để lãnh đạo dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Đây là tư tưởng lớn mang tính thời đại, được đưa ra sau quá trình nghiền ngẫm sâu sắc, tổng kết từ lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là trong gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, và những xu hướng lớn của thế giới đương đại.
Chúng ta đều có nhận thức chung rằng, kỷ nguyên là một chặng đường lịch sử trong tiến trình phát triển của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và của cả nhân loại. Chặng đường ấy được đánh dấu bằng sự phát triển về chất chứ không chỉ về lượng, được nhớ tới với những dấu ấn đặc biệt, những thành tựu vĩ đại và quan trọng nhất là nếu hoàn thành các nhiệm vụ, các mục tiêu của kỷ nguyên ấy thì sẽ tạo tiền đề, điều kiện để mở ra bước phát triển mới, thời kỳ mới cho dân tộc.
Trong Cương lĩnh năm 1991 đã dùng tới khái niệm kỷ nguyên. Phần mở đầu của Cương lĩnh có nói một nhận định: Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng Việt Nam vượt qua muôn trùng khó khăn, thách thức và đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Sự thành công của Cách mạng tháng 8 năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Từ năm 1946 đến năm 1975, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành thắng lợi 2 cuộc kháng chiến vĩ đại, đánh thắng các thế lực xâm lược hung bạo nhất, thống nhất đất nước. Cả nước bước vào kỷ nguyên xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Từ năm 1986, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN và sau 40 năm, công cuộc Đổi mới này đã giành được những thắng lợi vĩ đại, đưa quy mô kinh tế đất nước tăng 96 lần, từ một nước nghèo và lạc hậu trở thành nước đứng vào nhóm 34 nền kinh tế có quy mô lớn nhất trên thế giới (năm 2023).
Chúng ta cũng là tấm gương của nhân dân thế giới về xóa đói giảm nghèo, đây là mục tiêu thiên niên kỷ cực kỳ nhân văn mà nước ta đã hiện thực hóa được trước vài năm. Trước Đổi mới, tỉ lệ đói nghèo của nước ta từ 60-70% đến bây giờ chỉ dưới 2% - phải nói đây là một kỳ tích.
Sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của chúng ta tăng vượt bậc. Chúng ta có quan hệ ngoại giao với tất cả 193 nước thành viên của Liên Hợp Quốc. Chúng ta là đối tác hợp tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc khu vực và trên thế giới. Đây là một nét rất đặc biệt, chưa từng có và chúng ta đang đóng góp rất tích cực, đầy trách nhiệm vào việc gìn giữ ổn định, hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Có thể khẳng định, sau 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, tạo ra tiềm lực và vị thế mới. Đây là một trong những điều kiện, tiền đề để đất nước vững chắc tiến vào kỷ nguyên mới.
Thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… Đây là bước phát triển nhảy vọt chưa từng thấy, nhất là công nghệ thông tin với internet, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data)…
Thế giới hiện nay cũng đang chứng kiến cạnh tranh chiến lược của các nước lớn rất gay gắt, ngày càng quyết liệt. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một dự báo rất sáng suốt với tầm nhìn rộng, đó là từ nay đến năm 2030, sự cạnh tranh này sẽ đi tới xác lập một thế giới đa cực, thay cho thế giới đơn cực ra đời sau năm 1991 và đã đi tới một dự báo chiến lược: Các yếu tố nói trên đang tạo ra cơ hội chiến lược cho Việt Nam, tạo ra điều kiện, tiền đề vững chắc cho chúng ta bước vào một kỷ nguyên phát triển mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Có ý kiến cho rằng thông điệp nêu trên của Tổng Bí thư Tô Lâm chính là công cuộc Đổi mới lần thứ hai của Đảng ta. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?
PGS.TS Đào Duy Quát: Đây là một ý kiến rất thú vị, đáng suy nghĩ và bản thân tôi cũng có những đồng tình rất lớn.
Để toàn dân tộc chuyển mình, vươn mình phát triển mạnh mẽ, bền vững, bứt phá, tăng tốc để về đích, ngoài những thành tựu thì Tổng Bí thư cũng đã nhìn thẳng vào những yếu kém, hạn chế, nói đúng sự thật, đánh giá đúng bản chất, nguyên nhân của những yếu kém, hạn chế cả trong xây dựng Đảng, Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị và trong phát triển kinh tế. Trong đó, chỉ ra 3 điểm nghẽn rất nghiêm trọng về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là bộ máy tổ chức cán bộ.
Kỷ nguyên mới của dân tộc đòi hỏi chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện mà trước hết là đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm. Đúng là đổi mới thực chất là một cuộc cách mạng và đây là cuộc cách mạng đổi mới lần thứ 2. Cách mạng là quyết liệt, triệt để, phải làm quyết liệt hơn, dứt khoát hơn, mạnh mẽ hơn, tạo ra sự bứt phá chưa từng có.
NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH TRONG KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, một trong những nội dung quan trọng khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình là hoàn thiện bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu quả. Ông nhận định thế nào về chủ trương này của Tổng Bí thư?
PGS.TS Đào Duy Quát: Lần này, Tổng Bí thư đã chỉ rất rõ những thành tựu trong thực hiện tinh gọn bộ máy mà Nghị quyết Trung ương khóa XII đã làm được. Tuy nhiên, về tổng thể, việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh gọn bộ máy tổ chức vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa làm được. Hiện nay, bộ máy vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo đến mức chi tiêu hành chính cho bộ máy chiếm 70% ngân sách nhà nước; hiệu quả công tác còn thấp, trì trệ, nhiều chương trình, kế hoạch kinh tế-xã hội, nhiều dự án kém hiệu quả.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhìn rất thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng bản chất. Trong một bài viết của mình, Tổng Bí thư đã mở đầu bằng câu nói của Lenin “thà ít mà tốt” khi nhắc đến bộ máy cồng kềnh, chồng chéo. Lenin cũng nhấn mạnh việc giải quyết cực kỳ khó khăn nhưng nếu chúng ta không làm thì không thể xây dựng được xã hội như chúng ta mong muốn. Đây là một trong những điểm nghẽn của điểm nghẽn. Tổng Bí thư đã kiên quyết chỉ đạo để sắp tới tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết này, từ đó có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để Bộ Chính trị có nghị quyết lãnh đạo một cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, tổ chức cán bộ và tinh giản biên chế. Với bộ máy tinh gọn, có chức năng rõ rệt, không chồng chéo, có phân cấp phân quyền rành mạch, đúng đắn, có kiểm tra, giám sát quyền lực chặt chẽ, đầy đủ thì chắc chắn sẽ là nhân tố quyết định để thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhân đây tôi xin mạo muội nhắc tới 2 lời dạy sâu sắc của Lenin “Hãy cho tôi một tổ chức của người Bolshevik, tôi sẽ đảo ngược nước Nga Sa hoàng”. Để có một hệ thống chính trị tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đòi hỏi cấp thiết phải làm một cuộc cách mạng về công tác tổ chức cán bộ. Câu thứ hai, Lenin có nói: “Tôi sẵn sàng đánh đổi 10 người Cộng sản kiêu ngạo để đổi lấy một chuyên gia giỏi phương Tây”. Phải chăng chúng ta nên vận dụng sáng tạo tư tưởng này của Lenin để chọn và bố trí đúng cán bộ sau khi tinh gọn bộ máy tổ chức.
Từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng chỉ còn hơn một năm. Theo ông, Đảng, Nhà nước ta nên tập trung vào nhiệm vụ nào để tạo ra cơ sở và tiền đề tốt nhất cho đất nước khi bước vào kỷ nguyên vươn mình?
PGS.TS Đào Duy Quát: Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ 7 nhiệm vụ lớn phải làm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ để giải quyết 3 điểm nghẽn lớn về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Các nhiệm vụ này phải được tiến hành đồng bộ, nhưng nhiệm vụ đầu tiên phải làm cho chuyển biến ngay chính là thể chế, để từ đó có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từ hạ tầng kinh tế đến hạ tầng xã hội.
Để tập trung giải quyết các điểm nghẽn nói trên thì theo tôi, phải bắt đầu bằng công tác tư tưởng, toàn Đảng, toàn dân một ý chí, một hành động để thực hiện. Phải có tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, tự tin, tự hào dân tộc và dám hy sinh, dám tiến lên; dám hy sinh lợi ích bản thân mình, lợi ích cục bộ vì quốc gia, dân tộc, vì tập thể, cộng đồng.
Ngoài ra, công tác tư tưởng cũng cần được đổi mới, cả cách nắm tư tưởng và cách làm tư tưởng. Sau khi thuyết phục thì đòi hỏi sự tiên phong, nêu gương: Đảng tiên phong, Chính phủ tiên phong, Quốc hội tiên phong… trong thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là các nhiệm vụ then chốt này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!