Thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng tới 44 "ông lớn" FDI, Bình Dương cải cách để giữ chân vốn ngoại

Ánh Tuyết | 19/12/2023

Theo tính toán, có khoảng 44/4.000 "ông lớn" FDI tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương chịu tác động khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu thực thi đầu năm 2024. Khi đó, số doanh nghiệp FDI này có thể đóng thêm 2.000 tỷ đồng/năm vào ngân sách nhưng các ưu đãi thay thế cũng cần được gấp rút nghiên cứu...

Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương và Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị "Xúc tiến đầu tư 2023 - Chiến lược thu hút FDI Bình Dương bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu".

Bình Dương là địa phương tiên phong phối hợp với Viện Quản trị Chính sách khảo sát đồng bộ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn để phát triển chiến lược thu hút FDI trong bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu sắp có hiệu lực.

CHƯA CÓ ƯU ĐÃI THAY THẾ ĐỂ GIỮ CHÂN "ĐẠI BÀNG"

Trong 35 năm, Việt Nam thu hút được hơn 525 tỷ USD vốn đăng ký và hơn 260 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Điều này cho thấy lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư tại Việt Nam với những chính sách toàn cầu cần triển khai chiến lược thu hút FDI mới để tiếp tục củng cố lợi thế cạnh tranh.

Là một địa phương luôn thuộc nhóm địa phương dẫn đầu về thu hút FDI, tại Bình Dương hiện có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư, với gần 4.200 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,2 tỷ USD, trong đó, khu vực châu Á chiếm trên 75% tổng vốn đầu tư FDI vào tỉnh.

Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bình Dương là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước và luôn khẳng định ưu thế hấp dẫn trong thu hút FDI. Bài học thành công của Bình Dương là sự quyết liệt triển khai những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các khu công nghiệp kiểu mới, khu công nghiệp xanh, "trải thảm đỏ" mời gọi nhà đầu tư nước ngoài.

Bình Dương cũng phối hợp để nghiên cứu báo cáo khuyến nghị chính sách của Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển về thuế suất tối thiểu toàn cầu, góp phần ban hành những quyết sách có lợi nhất cho đất nước.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương và Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển cho thấy, hiện Bình Dương có hơn 4.000 doanh nghiệp FDI, trong đó, có 44 doanh nghiệp FDI có khả năng chịu sự tác động của nghị quyết này và giúp ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.

Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được Quốc hội thông qua mới đây sẽ có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 01/01/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024. 

Theo đó, các công ty đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu Euro hay 850 triệu USD trở lên trong 2 năm của 4 năm gần nhất sẽ bị đánh thuế 15%.

Mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% có xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia.

Theo tính toán tác động của chính sách này đến địa bàn tỉnh Bình Dương, dự kiến có 44/4.000 doanh nghiệp FDI có khả năng chịu sự tác động của nghị quyết. Các doanh nghiệp có doanh thu dưới 750 triệu Euro không chịu sự tác động của nghị quyết và tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư với mức thuế suất ưu đãi đang được hưởng.