Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - Malaysia sớm đạt 18 tỷ USD và cao hơn
| 22/11/2024
Tổng Bí thư đề nghi Việt Nam Malaysia tăng cường hợp tác phát triển ngành công nghiệp Halal, khuyến khích doanh nghiệp nước này mở rộng đầu tư tại thị trường nước kia..
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Malaysia, chiều 21/11, ngay sau hội đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cùng chủ trì họp báo.
Phát biểu với báo chí, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Thủ tướng Malaysia cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp Malaysia đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Thủ tướng Anwar Ibrahim bày tỏ cảm ơn và mong muốn Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Malaysia đầu tư tại Việt Nam; ủng hộ Malaysia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2025.
Hai bên đã có một số dự án hợp tác trong các lĩnh lực dầu khí, thời gian tới, hai bên mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khai thác nghề cá trên cơ sở tin cậy và hữu nghị giữa hai nước.
Thủ tướng Malaysia bày tỏ cảm ơn các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn dành tình cảm tốt đẹp cho cá nhân Thủ tướng và nhân dân Malaysia; đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và những thành tựu quan trọng về mọi mặt mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua.
Phát biểu tại họp báo, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên cam kết ủng hộ lẫn nhau trên con đường phát triển của mỗi nước; tiếp tục củng cố và tăng cường hợp tác hữu nghị, tin cậy chính trị giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội và pháp luật, quy định của mỗi nước và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Tổng Bí thư nêu rõ, trụ cột chính của nội hàm Đối tác Chiến lược toàn diện, gồm: Tăng cường tin cậy và hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, tạo nền tảng quan hệ vững chắc, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển thông qua tăng cường trao đổi đoàn, hợp tác tại tất cả các cấp, các kênh; triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác sẵn có, đồng thời nghiên cứu thành lập các cơ chế mới phù hợp với nhu cầu, lợi ích của hai bên trong bối cảnh mới.
Cùng với đó, thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế: Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 18 tỷ USD và cao hơn, theo hướng cân bằng và cùng có lợi.
Tăng cường hợp tác phát triển ngành công nghiệp Halal: Khuyến khích doanh nghiệp nước này mở rộng đầu tư tại thị trường nước kia. Cam kết hợp tác bảo đảm lợi ích từ hợp tác dầu khí và xem xét thiết lập cơ chế vùng phát triển hợp tác ở khu vực chồng lấn nếu có.
Hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới (như kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, năng lượng xanh…) và các lĩnh vực quan trọng khác (hợp tác giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, lao động, văn hóa, thể thao, du lịch và kết nối người dân) nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Tích cực ủng hộ lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực, quốc tế vì hòa bình, an ninh và ổn định chung, nhất là tại các diễn đàn đa phương ASEAN, LHQ, Phong trào Không liên kết, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC); thúc đẩy sự phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn của ASEAN nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và xa hơn nữa; tăng cường hợp tác và liên kết tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng sông Mekong.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chứng kiến trao đổi hai văn kiện hợp tác - Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư nhấn mạnh cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với nguyên tắc được công nhận rộng rãi bởi luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Tổng Bí thư kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và không tiến hành các hoạt động có thể làm leo thang căng thẳng gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); cam kết sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam tiếp tục ủng hộ vai trò Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia, tái khẳng định cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Malaysia và tất cả các nước thành viên ASEAN hướng tới hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Tổng Bí thư tin tưởng với mối quan hệ anh em, láng giềng, chia sẻ nhiều tương đồng về văn hóa, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng phấn đấu vì cuộc sống thịnh vượng hơn cho nhân dân; với vị trí quan trọng trong khu vực, có vị thế ở cả khu vực và thế giới của Malaysia; với tầm nhìn mới, ở tầm cao mới, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Malaysia nhất định sẽ mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác hai nước vì hòa bình, ổn định phát triển bền vững, bao trùm và thịnh vượng chung, vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và thịnh vượng.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chứng kiến trao đổi hai văn kiện hợp tác, gồm: Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và Cơ quan Phát triển ngoại thương Malaysia; Bản ghi nhớ hợp tác về năng lượng tái tạo giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas).
Theo Vneconomy