Ngành nông nghiệp bứt phá, xuất khẩu nông lâm thủy sản vượt mục tiêu

Chương Phượng | 17/12/2024

Năm 2024 ghi dấu ấn là năm bứt phá của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Nhận định về năm 2025, các cơ quan quản lý và các chuyên gia cho rằng bên cạnh cơ hội, thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản cũng sẽ có nhiều thách thức và biến động khó lường. Do đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt hơn để ứng phó hiệu quả…
Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 đạt trên 62 tỷ USD, vượt xa mục tiêu được đặt ra từ đầu năm là 55 - 57 tỷ USD.

Tại hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 16/12, ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu.

HOA KỲ TRỞ THÀNH THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM

Theo đó, giá trị sản xuất của toàn ngành nông lâm ngư nghiệp năm 2024 tăng trưởng trên 3,2% so với năm trước. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023. Con số này cao hơn nhiều so với với mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 55-57 tỷ USD.

Năm 2024, ngành nông lâm ngư nghiệp có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD.

Đặc biệt, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều tăng trưởng hai con số. Cụ thể: cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.

Về thị trường, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ hai, tiếp đến EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện đã khẳng định được thương hiệu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tránh tâm lý chủ quan, lơ là mà phải làm nghiêm túc hơn từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu.

"Khi kết nối, ký kết hợp đồng mua bán với các đối tác qua mạng xã hội, doanh nghiệp chúng ta cần xác minh kỹ nhiều chiều. Các đơn vị có thể nhờ các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc hoặc nhờ bạn hàng của mình xác minh thông tin kỹ trước khi ký kết hợp đồng giao dịch để giảm rủi ro".

Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

"Việc tìm kiếm, mở cửa được các thị trường đã khó, việc giữ thị trường sẽ càng khó hơn. Nếu chúng ta không cố gắng, để tuột mất cơ hội thì sẽ rất khó để mở lại. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải làm ăn bài bản, chuyên nghiệp hơn ngay từ khâu sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, cơ sở đóng gói... theo đúng quy định của các nước nhập khẩu", ông Thiệt khuyến nghị.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, cho hay Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Trong đó, nhóm hàng thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại bị cảnh báo nhiều nhất.

“Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, cơ hội để sản phẩm của chúng ta xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân này còn rất nhiều. Tuy vậy, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu; cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu...”, ông Lai lưu ý.

Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cũng cho biết vẫn còn một số doanh nghiệp gặp vấn đề khi làm ăn với bạn hàng, vì nhiều nguyên nhân. "Có doanh nghiệp gặp chúng tôi đề nghị giúp đỡ nhưng khi xem hợp đồng chỉ có vài tờ giấy A4 rất sơ sài, thông tin không rõ ràng, pháp lý không chặt chẽ nên rất khó để giải quyết", ông Lai nêu thực trạng, đồng thời khuyến nghị, khi đã kết nối được với đối tác, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị hồ sơ, hợp đồng bài bản, kỹ lưỡng sẽ giúp việc hợp tác làm ăn thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn.

Ông Lai cũng lưu ý các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm kiếm đối tác cần phải được trang bị thêm kiến thức, năng lực về thương mại điện tử, giao tiếp với đối tác trên mạng xã hội... 

XUẤT KHẨU SẼ TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG TỐT TRONG QUÝ 1/2025

Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn dự báo: "Xuất khẩu các nhóm hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt trong quý 1/2025. Nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn...

Đánh giá về thị trường, ông Phong cho rằng Hoa Kỳ là địa bàn có dân số đông và nhu cầu tiêu dùng cao nên các mặt hàng còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhất là thuỷ sản, đồ gỗ, cà phê, tiêu và dặc biệt là những loại trái cây nhiệt đới. Nhu cầu tiêu thụ rau quả và thủy sản ở Trung Quốc cũng được dự đoán tăng mạnh, rau quả tăng 6,64%/năm và thủy sản tăng 7,56%/năm trong giai đoạn 2024-2029.

Với vị trí địa lý thuận lợi, các nông sản của Việt Nam như rau, trái cây, thủy sản... vận chuyển đến Trung Quốc vẫn giữ được chất lượng tự nhiên và độ tươi ngon với giá cả hợp lý. Trung Quốc cũng có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn cao su, sắn do nguồn cung trong nước hạn chế.

Ông Phong cho biết thêm, trong thời gian tới những biến động về địa chính trị, xung đột quân sự và đặc biệt là việc Tổng thống Donand Trump tái dắc cử sẽ đặt ra nhiều thách thức, trong đó các chính sách bảo hộ với rào cản thuế quan mức cao, các quy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản trong đó có Việt Nam.

Nhận định dư địa tăng trưởng còn nhiều, song ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, cho rằng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản cũng còn không ít thách thức phía trước khi sản xuất đối mặt với diễn biến khó lường từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong khi thị trường liên tục biến động thì các quy định kỹ thuật cũng ngày càng cao với yêu cầu về phát triển xanh bền vững.

“Để xuất khẩu hiệu quả, bền vững cần bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics”.

Ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường.

Để tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Qua đó giúp đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát. Trong đó, cần tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi biển, thực hiện nghiêm các qui định kỹ thuật trong xuất khẩu.

Ngoài ra, ông Phong khuyến cáo các địa phương cần chú trọng việc tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực sản xuất kinh doanh của người sản xuất, nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp, ngành hàng cần tiếp tục khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, mở rộng thị phần tại những thị trường tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...; tích cực thực hiện các giải pháp đề nghị EU gỡ thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam. 

Theo Vneconomy