Kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam: Nửa thế kỷ đồng hành cùng sự phát triển đất nước
Song Hoàng | 26/07/2025
50 năm qua, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho hoạt động tư vấn, giám định, phản biện chính sách đối với các vấn đề trọng đại của đất nước. Gần đây, Hội đã có tiếng nói phản biện trong việc góp ý văn kiện Đại hội XIII và XIV, các đề án tăng trưởng xanh, đường sắt cao tốc, quy hoạch vùng, và dự thảo nhiều chính sách kinh tế quan trọng...

Sáng nay 26/7, tại Hà Nội, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (01/7/1975 – 01/7/2025). Tham dự buổi lễ có đông đảo các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế; đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức khoa học trong cả nước.
Hội Khoa học Kinh tế được thành lập ngày 1/7/1975 trong bối cảnh đất nước vừa thống nhất và bắt đầu công cuộc tái thiết kinh tế. Điều kiện khi đó còn rất thiếu thốn – cơ sở vật chất lạc hậu, thông tin khan hiếm, môi trường học thuật bị chia cắt bởi hoàn cảnh đất nước.
Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, các nhà kinh tế đầu tiên đã kiên trì đi thực địa, bám sát thực tiễn từ khai thác than, ngành chè, nông nghiệp đến kinh tế cửa khẩu. Từ những nghiên cứu đó, nhiều kiến nghị chính sách đã hình thành và đóng góp thiết thực vào quá trình đổi mới tư duy, góp phần tạo nền tảng cho công cuộc Đổi mới do Đại hội VI của Đảng khởi xướng.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TSKH Khoa học Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho biết tính đến nay, Hội có hơn 2.000 hội viên, gần 20 phân hội và 26 chi hội, với 17 đơn vị khoa học trực thuộc Trung ương Hội. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã trở thành một cơ sở giáo dục lớn với hơn 10.000 sinh viên thuộc 9 chuyên ngành. Tạp chí Kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những cơ quan báo chí uy tín hàng đầu về phân tích, bình luận kinh tế.
Kể từ khi thành lập tới nay, Hội đã có nhiều đóng góp cho hoạt động tư vấn, giám định, phản biện chính sách đối với các vấn đề trọng đại của đất nước. Gần đây, Hội đã có tiếng nói phản biện trong việc góp ý văn kiện Đại hội XIII và XIV, các đề án tăng trưởng xanh, đường sắt cao tốc, quy hoạch vùng, và dự thảo nhiều chính sách kinh tế quan trọng. Nhiều nghiên cứu của Hội viên đã được công bố dưới dạng sách, chuyên khảo, thể hiện rõ trách nhiệm học thuật gắn với thực tiễn.
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, chia sẻ: lãnh đạo Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng như các chuyên gia đã có rất nhiều sự hỗ trợ, đóng góp ý kiến để đồng hành cùng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương trong việc xây dựng các chính sách lớn. Điển hình như năm 2017 xây dựng Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 11 về thể chế và Nghị quyết 12 về doanh nghiệp Nhà nước cũng như hàng loạt các nghị quyết Trung ương được ban hành về công nghiệp hóa, các nghị quyết về lĩnh vực ngành, 6 nghị quyết vùng...
Cũng theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cũng rất ấn tượng với sự tham gia tích cực trong vai trò đồng tổ chức của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tại các diễn đàn, hội thảo lớn. Bên cạnh đó, Hội cũng như Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã có rất nhiều ấn phẩm để truyền thông, chính sách, góp phần thể chế hóa các nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng Askonomy của Tạp chí Kinh tế Việt Nam phát triển đang có hệ thống dữ liệu rất tốt. Trong thời gian tới, sự phối hợp giữa Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam với Tạp chí Kinh tế Việt Nam cũng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương trong việc hoạch định chính sách chắc chắn sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.
Phát biểu tại hội nghị, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, đánh giá cao những đóng góp quan trọng và quý báu của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trong 50 năm qua đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Những đóng góp của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội.
Theo ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, 30 năm qua, kể từ khi đất nước mở cửa và đạt được những thành tựu rất lớn như ngày nay, không thể không kể tới công lao của các nhà khoa học kinh tế thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.
Cũng theo ông Trần Quốc Khánh, bước vào giai đoạn hiện nay, kinh tế đất nước đang bước vào một chu kỳ phát triển mới nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Trong thời gian tới, Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng rất mong muốn sẽ hợp tác chặt chẽ với Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Hội đồng Tư vấn chính sách sẽ là cầu nối để truyền đạt ý kiến của các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học kinh tế đến với Thủ tướng Chính phủ.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khoá 15, Phó Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam, chia sẻ: “Nhiều thành viên của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam hiện đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương; hoặc là những nhà khoa học có ảnh hưởng lớn, kể cả khi đã nghỉ hưu. Họ tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp – thậm chí chủ trì – trong việc xây dựng các quy hoạch lớn như quy hoạch Thủ đô, quy hoạch vùng, hay các dự án quốc gia như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, đường sắt tốc độ cao.
Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam không chỉ góp tiếng nói thông qua hội thảo, thẩm định dự án mà còn gửi các kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền. Nhiều ý kiến từ Hội đã được tiếp thu, tích hợp vào các dự án chính thức. Có thể nói, tiếng nói của Hội Khoa học Kinh tế Việt Namluôn hiện diện trong các quá trình xây dựng định hướng phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương trên toàn quốc.”
Cũng trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã quyết định trao Bằng khen cho Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam để ghi nhận những thành tựu mà Hội đã đạt được, cũng như những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp khoa học và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, các nhà khoa học, nhà kinh tế – đặc biệt là các thành viên của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cần tiếp tục phát huy bản lĩnh học thuật, tính độc lập trong phản biện, tinh thần đổi mới và gắn bó chặt chẽ với thực tiễn. Trách nhiệm của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam không chỉ là nghiên cứu, mà còn là kiến tạo, đồng hành cùng quốc gia xây dựng những mô hình phát triển hiệu quả, bền vững, có bản sắc Việt Nam.
Theo Vneconomy