Giới thiệu sách: Cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình “Gia đình, bạn bè và đất nước”

Thu Ngân | 01/01/2024

Bà Nguyễn Thị Bình truyền cho các con lý tưởng sống cao đẹp: sống có mục đích, lý tưởng và trọn niềm tin vào tương lai đất nước. Với ý nghĩa như thế, việc cô giới thiệu cuốn sách này với các con chính là cô đang trân trọng trao cho các con món quà của bà Nguyễn Thị Bình. Cô hi vọng và tin tưởng các con sẽ mở lòng mình ra để đón nhận.
Bìa ấn bản tiếng Anh cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình. Ảnh: Vnexpress.net

Cách đây 40 năm, vào ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao của nước ta ở thế kỷ XX. Đây được coi là một sự kiện lịch sử trọng đại góp phần làm nên thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Người dân Việt Nam tự hào về thắng lợi của Hiệp định Paris bao nhiêu lại càng trân trọng công lao của những con người đã chiến đấu, hi sinh thầm lặng trên mặt trận ngoại giao mà cuộc đời họ chính là bài ca đi cùng năm tháng. Một trong những con người đó sẽ là nhân vật chính của buổi giới thiệu sách ngày hôm nay.

Cô muốn chia sẻ với các con một hình ảnh. Người phụ nữ mặc áo dài, cầm cây bút ngồi giữa đang ký vào biên bản hiệp định Paris ngày 27/01/1973. Vâng đó là bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam tại Hòa đàm Paris, một trong những phụ nữ Việt Nam tiêu biểu của thế kỷ XX và một trong số không nhiều các nữ chính khách Việt Nam đương đại.

Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, cô xin trân trọng giới thiệu với các con cuốn hồi ký của Nguyễn Thị Bình, cuốn hồi kí có tựa đề “gia đình bạn bè và đất nước” do NXB tri thức phát hành năm 2012.

Giới thiệu cuốn sách này với các con, cô mong muốn các con có thể hiểu hơn về con người, về cuộc đời bà Nguyễn Thị Bình, cuộc đời một người phụ nữ đã gắn chặt với những sự kiện lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Cuốn sách cũng là món quà đặc biệt bà dành cho tuổi trẻ hôm nay, thông qua những dòng hồi ký chân thực về cuộc đời mình, bà Nguyễn Thị Bình muốn truyền cho các con lý tưởng sống cao đẹp: sống có mục đích, lý tưởng và trọn niềm tin vào tương lai đất nước. Với ý nghĩa như thế, việc cô giới thiệu cuốn sách này với các con chính là cô đang trân trọng trao cho các con món quà của bà Nguyễn Thị Bình. Cô hi vọng và tin tưởng các con sẽ mở lòng mình ra để đón nhận.

Cuốn hồi ký “gia đình bạn bè và đất nước” có kích thước 13 x 20.5 cm, dày hơn 400 trang. Bìa sách màu trắng, nổi bật trên đó là bức ảnh màu nâu chụp khuôn mặt được nhìn nghiêng của bà Nguyễn Thị Bình trước rất nhiều mi-cro. Phía dưới, bên trái bức hình là 3 dòng chữ màu đen nhan đề “Gia đình bạn bè và đất nước”. Ấn tượng mà bìa sách mang lại cho độc giả chính là gam màu nâu nhạt - màu của thời gian, của hồi ức, nó tạo ra cho ta tâm thế bước vào ký ức của một con người. Thêm nữa, ở bức ảnh này, bà được chụp từ phía sau, nó gợi cho người ta nghĩ đến cái nhìn của một người về quá khứ - bà đang nhìn lại những trải nghiệm đời minh. Hình ảnh bà trước rất nhiều micro còn bao hàm ý nghĩa bà đã từng đại diện cho phát ngôn của một dân tộc, một quốc gia. Và cho đến bây giờ, tiếng nói của bà vẫn có sức thuyết phục với rất nhiều người. Như vậy, ngay từ trang bìa, cuốn sách đã hé mở cho chúng ta những điều hấp dẫn thú vị ở bên trong.

 Cuốn hồi ký được chủ nhân của nó ghi chép lại theo trình tự thời gian mà từ đó người đọc cũng sẽ hình dung ra diễn biến chặng đường lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc gắn bó chặt chẽ với những chặng đường đời của bà Nguyễn Thị Bình trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mĩ và hơn 30 năm đất nước trong giai đoạn đổi mới.

* Về gia đình

Trong cuốn hồi ký của mình, bà viết về gia đình lớn của bà gồm ba mẹ và sáu anh chị em, trong đó bà là chị cả. Mẹ bà là bà Phan thị Châu Lan, là con gái cụ Phan Châu Trinh. Năm 16 tuổi thì mẹ bà qua đời. Cha bà là ông Nguyễn Đồng Lợi, làm viên chức trong ngành trắc địa. Các con sẽ hiểu hơn về những năm tháng tuổi thơ ngọt ngào khi bà còn đủ cả cha cả mẹ ngay từ những trang đầu của cuốn sách viết về thời tuổi thơ của bà. Tuổi thơ ấy gắn liền với hình ảnh miền tây mùa nước nổi mênh mông như biển, với căn nhà ở Phnôm pênh có bãi cát rất rộng, mùa trăng rằm sáng trắng như tuyết mà chị em bà thường thích đuổi nhau trên bãi cát ấy.

Trang 25 của cuốn sách, bà chia sẻ “Tôi là người hạnh phúc”. Nếu các con đọc, các con sẽ hiểu hạnh phúc trong tình yêu của những con người trong thế hệ bà Nguyễn Thị Bình thật giản dị mà thiêng liêng vô cùng. Chiến tranh, xa cách, hạnh phúc với bà là lấy được người mình yêu.

Điểm hấp dẫn và cảm động ở những dòng hồi kí viết về gia đình bà, theo cô đó là sự chia sẻ những khó khăn trong việc chăm sóc gia đình của một người phụ nữ làm cách mạng, phải xa các con đằng đẵng nhiều năm trời, không được nhìn các con khôn lớn mỗi ngày. Người phụ nữ ấy đã tự nhủ: hoạt động cách mạng tốt là thương các con nhỏ.

* Về bạn bè

Cùng với gia đình, bạn bè là một nguồn động lực mạnh mẽ tạo nên sức mạnh đặc biệt trong bà. Đọc cuốn hồi kí, các con sẽ rất bất ngờ trước một người phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường lại là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất thế giới.

Bất kể chặng đường nào trong cuộc đời, Nguyễn Thị Bình đều dành nhiều trang viết về những người bạn.

Điểm đáng chú ý, bạn bè của bà thuộc nhiều màu da, nhiều giai cấp, nhiều ngành nghề trên nhiều đất nước từ người dân thường đến các nguyên thủ quốc gia thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau.

Vì thế đọc cuốn hồi kí, các con không chỉ hiểu về thế giới những người bạn của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình mà còn xây dựng cho chính bản thân mình những ý niệm về tình bạn cao đẹp - là những nấc thang đưa ta đến với thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.

* Về đất nước

Các con ạ, trong cuốn hồi kí “Gia đình bạn bè và đất nước” bà Nguyễn Thị Bình có viết: “Hãy nhớ những bài học lịch sử quý giá của ông cha, đặt lợi ích chung lên trên, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, kiên trì đi theo con đường đã lựa chọn, mang tự do hạnh phúc cho nhân dân. Hạnh phúc của đất nước chính là hạnh phúc của con em chúng ta”. Đây chính là nguyên tắc sống và cũng là nguyên tắc hoạt động cách mạng của bà - một nữ chính khách tiêu biểu của thế kỷ XX.

Cả cuộc đời bà đã gắn bó chặt chẽ với những sự kiện lịch sử lớn lao của đất nước. Đọc cuốn hồi ký, các con sẽ được biết con đường làm cách mạng gian nan mà vô cùng vẻ vang của bà Nguyễn Thị Bình từ khi bà mới 17 tuổi, là một sinh viên yêu dấu tranh trong phong trào yêu nước, đến khi giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo của nhà nước ra như Bộ trưởng Bộ ngoại, Bộ trưởng Giáo dục, Phó chủ tịch nước. Bà từng bị bắt giam, bị tra khảo.

Phần đặc biệt trong cuốn hồi ký là những câu chuyện về cuộc tọa đàm Paris kéo dài từ năm 1968 đến 1973 mà bà Nguyễn Thị Bình là Trưởng phái đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, là người phụ nữ duy nhất ký tên vào Hiệp định Paris... Những năm tháng ấy, bà có mặt khắp hành tinh, bà kêu gọi nhân loại ủng hộ Việt Nam. Bà nổi tiếng thế giới với phong cách ngoại giao lịch lãm, duyên dáng nhưng rất kiên định và không gì thay đổi được. Các con có thể tìm hiểu rõ hơn về cuộc hòa đàm Paris và vai trò của bà Nguyễn Thị Bình trong chương “Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử” trong 57 trang sách từ trang 85 đến trang 142 của cuốn hồi ký.

Trong cuốn hồi ký cũng viết về những ngày về hưu bận rộn, mặc dù tuổi cao nhưng bà vẫn hết lòng tham gia các hoạt động xã hội vì đất nước, đặc biệt là những hoạt động góp phần thúc đẩy sự phát triển của giáo dục nước nhà - một lĩnh vực mà bà đã khiêm tốn tự nhận đương thời mình đã không đủ năng lực để làm tốt.

Có thể nói, cuộc đời bà Nguyễn Thị Bình đã được tái hiện chân thực trong cuốn hồi ký “Gia đình bạn bè và đất nước” bằng một văn phong giản dị, mực thước, cách kể chuyện tự nhiên mà cảm động. Gia đình bạn bè và đất nước chính là hương thơm, ánh sáng, là nguồn sống dạt dào làm nên mùa xuân cuộc đời bà và cuộc đời bà cũng chính là một mùa xuân đầy ý nghĩa góp phần làm nên mùa xuân vĩ đại của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Các con thân yêu, cô nghĩa rằng cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” là một cuốn sách đáng đọc.

Đọc cuốn hồi kí “Gia đình, bạn bè và đất nước” các con sẽ thấy rằng: lịch sử kháng chiến của một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam được cả thế giới khâm phục bởi lịch sử đó được làm nên bởi những con người phụ nữ nhỏ bé này, luôn toàn tâm toàn ý cho gia đình đất nước trước khi làm bất cứ việc gì.

Cuốn hồi ký thêm một lần nữa muốn truyền một thông điệp bất biến của lịch sử tới thế hệ mai sau rằng: Chúng ta có cơ sở để phải đoàn kết xây dựng và bảo vệ tổ quốc vì ai cũng có 3 điểm chung: chung cội nguồn, chung các mối an nguy với các thế lực bên ngoài và chung một tương lai huy hoàng cho đất nước.

Tuổi trẻ Hồ Chí Minh đã xông pha, hoàn thành trách nhiệm lịch sử của mình đem lại độc lập tự do cho đất nước thì công cuộc phát triển đất nước hôm nay chính là giai đoạn chúng ta phải mang lại tự do cho nhân dân và đó là trách nhiệm to lớn của thế hệ hôm nay.

Các con học sinh thân mến! Các con có thể tìm đọc cuốn hồi ký “Gia đình bạn bè và đất nước” tại tủ sách tham khảo của trường THCS Nguyễn Du với ký hiệu phân loại 9(V)(092)/5023. Nếu các con muốn có cho mình một quyển sách riêng, các con có thể tìm mua ở các địa chỉ ở Hà Nội: 81 Trần Hưng đạo, 45B Lý Thường Kiệt,...

Cô hy vọng rằng bài giới thiệu sách của cô sẽ giúp các con hiểu hơn về con người, về cuộc đời bà Nguyễn Thị Bình, cuộc đời một người phụ nữ đã gắn chặt với những sự kiện lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Hẹn gặp lại các con trong buổi giới thiệu sách lần sau.