Đột phá thể chế, tháo gỡ rào cản để phát triển đất nước
| 21/10/2024
(PLO)- Sự phát triển của doanh nghiệp, của nền kinh tế trong khoảng 30 năm trở lại đây gắn liền với những văn bản pháp luật có tính chất cởi trói, tháo bỏ các ràng buộc.
Hôm nay, kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XV khai mạc. Thông tin từ cuộc họp giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn QH ngày 15-10, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân đã đề nghị một số nội dung quan trọng, cấp bách cần được xử lý sớm bằng việc sửa đổi, bổ sung luật hoặc thông qua Nghị quyết của QH.
Đáng chú ý, những luật về đầu tư kinh doanh – tài chính được Chính phủ chuẩn bị rất nhanh, các Ủy ban của QH thẩm định cũng rốt ráo và Thường vụ QH cũng cho ý kiến rất nhanh. Các dự luật này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho nền kinh tế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), nhận định: “Có lẽ Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp mà QH có khối lượng công việc lập pháp nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, trong đó có nhiều dự thảo luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh có tác động trực tiếp đến DN. Có thể kể đến là ba luật về thuế quan trọng, gồm Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập DN và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt…"
Phóng viên: Theo ông, đâu là những điểm trong sửa các luật liên quan mà cộng đồng DN kỳ vọng sẽ mang lại một môi trường pháp lý trong đầu tư kinh doanh an toàn hơn, dài hơi hơn?
+ Ông Đậu Anh Tuấn: Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đều khẳng định Kỳ họp thứ 8 là một kỳ họp dự kiến lập kỷ lục mới về khối lượng công việc. Những công việc, đặc biệt là lĩnh vực lập pháp, đều xuất phát từ thực tiễn của yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, đáng chú ý là hai dự thảo một luật sửa nhiều luật. Thứ nhất là luật sửa bốn luật trong lĩnh vực đầu tư do Bộ KH&ĐT chủ trì, gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Tiếp đó là luật sửa bảy luật trong lĩnh vực tài chính do Bộ Tài chính đảm nhiệm, với Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Trong thời gian ngắn, Chính phủ đề nghị bổ sung chương trình xây dựng luật, nhanh chóng trình ra dự thảo luật sửa các luật này thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ, QH trong tháo gỡ các điểm nghẽn, các khó khăn đang cản trở hoạt động kinh doanh và gây khó khăn cho DN.
Cách đây mấy tháng, Chính phủ cũng trình QH để quyết định việc có hiệu lực sớm của ba đạo luật quan trọng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản từ 1-8-2024 (sớm hơn bốn tháng so với kế hoạch) cũng là điều chưa từng có tiền lệ. Mục tiêu chung của các hoạt động lập pháp này hướng tới là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, kỳ vọng tạo ra được đột phá mới trong tăng trưởng.
. Quá trình tham gia phản biện cùng cộng đồng DN với các dự luật, ông thấy đâu là những vấn đề có thể cải cách mạnh hơn, triệt để hơn để những khó khăn của cộng đồng DN hàng chục năm nay được tháo gỡ triệt để?
+ Tôi cho rằng thời gian qua QH và Chính phủ đã làm được rất nhiều việc, môi trường pháp lý kinh doanh của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Đây là một thực tế không thể phủ nhận, được phản ánh qua bức tranh phát triển, con số tăng trưởng, thành tích thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật giai đoạn vừa rồi và ngay cả bây giờ là sự phân mảnh trong xây dựng văn bản pháp luật. Mỗi bộ ngành chủ trì một ngành luật riêng, cách thức xây dựng pháp luật riêng, mối quan tâm riêng, nếu không có cơ chế kiểm soát tốt luôn có nguy cơ phát sinh tình trạng chồng chéo, xung đột pháp luật.
Một dự án đầu tư của DN sẽ chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật… Nếu các luật và các quy trình thủ tục hành chính không thống nhất, không đồng bộ sẽ tạo khó khăn cho nhà đầu tư và các cơ quan hành chính cấp cơ sở.
Về phía DN, khi làm thủ tục, họ phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan nhà nước khác nhau. Chi phí thủ tục rất tốn kém. Mặt khác, trong quá trình hoạt động, DN còn phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về cùng một nội dung từ các cơ quan khác nhau.
DN cũng phải đối mặt với rủi ro là nguy cơ vi phạm pháp luật. Bởi trên thực tế nhiều trường hợp DN không biết phải thực hiện theo quy định nào, thực hiện được quy định này thì lại vi phạm quy định kia.
Cạnh đó, sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật khiến các cơ quan thực thi chính sách lúng túng, bị động khi phải giải quyết công việc cho DN. Đặc biệt tâm lý sợ rủi ro, sợ sai rất phổ biến trong bộ máy nhà nước. Có tình trạng ở nhiều địa phương và thậm chí ở các bộ ngành không dám giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh bị đình trệ, chậm tiến độ và nhiều việc phải đẩy lên đến cấp trên.
Cải cách thủ tục, thay đổi tư duy với DN để cạnh tranh
Những khó khăn như ông vừa đề cập hẳn nhiên sẽ gây ra nhiều hệ quả không đáng có?
+ Tất nhiên rồi. Mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh là những hệ quả có thể nhìn thấy. Đặc biệt nó làm chậm quá trình đưa vốn vào thực tế, kể cả vốn đầu tư công của Nhà nước cho đến vốn đầu tư của khu vực tư nhân gây ra sự lãng phí, bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Nhiều DN cho hay họ không cần Nhà nước hỗ trợ nguồn lực, hỗ trợ tiền mà chỉ cần làm sao cho thủ tục thuận lợi, hanh thông là họ đã hài lòng.
Chính phủ đã nhận rõ điều này. Thủ tướng đã lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc, khó khăn trong các quy định pháp luật; Chính phủ cũng lập Tổ Công tác giải quyết vấn đề chồng chéo, xung đột pháp luật. QH đã rất chú trọng khâu rà soát chồng chéo khi thông qua các đạo luật.
Tôi rất hy vọng thời gian tới sẽ có những chuyển biến căn bản trong lĩnh vực này.
. Dự kiến sẽ có quy định về “thủ tục đầu tư đặc biệt” với các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo… Nhưng dường như cả Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ (Ban soạn thảo) đều gặp nhau ở một điểm là những dự án nằm trong các khu công nghiệp, nơi đã có đầy đủ các phương án về phòng cháy chữa cháy và ĐTM đều được hưởng “thủ tục đặc biệt” trong phê duyệt đầu tư.
+ Đúng là hiện nay các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia, giúp thúc đẩy sự phát triển của công nghệ đất nước, đưa nước nhà gia nhập vào chuỗi sản xuất kinh doanh quan trọng của thế giới.
Tuy nhiên, với những dự án hấp dẫn này thì quốc gia nào cũng mời gọi, có nhiều ưu đãi và dành cho nhiều đặc quyền. Việt Nam chắc chắn không thể cạnh tranh với các nước trong thu hút nếu áp dụng quy trình thủ tục như thông thường, bởi quy trình này có khi mất hàng năm với hàng chục thủ tục trong từng lĩnh vực, phải giải quyết rất nhiều đầu mối và nhiều cơ quan.
Chính vì thế mà chúng tôi đánh giá rất cao Bộ KH&ĐT - cơ quan chủ trì đã trình sửa Luật Đầu tư lần này, trong đó đưa ra giải pháp về thủ tục đặc biệt. Đây là bước tiến trong lập pháp khi đứng từ góc nhìn nhà đầu tư chứ không chỉ phải của cơ quan nhà nước, tức là hướng tới xem nhà đầu tư họ cần gì và đưa ra các giải pháp lập pháp để đáp ứng.
Điều những nhà đầu tư quan trọng này cần là thủ tục phải nhanh, phải rõ ràng, ít rủi ro và phải có đầu mối. Chính vì thế chúng ta phải làm sao giải quyết, tích hợp các thủ tục lại theo hướng gọn gàng, đơn giản nhất và xây dựng được đầu mối hiệu quả. Bên cạnh các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, môi trường thì còn rất nhiều thủ tục khác về xây dựng, quy hoạch, khoa học công nghệ…
. Một quy định khác dự kiến là đưa lại hình thức BT vào để triển khai. Tôi quan sát thấy có những ý kiến khác nhau, nhất là trong việc định giá đất để đổi dự án.
+ Giai đoạn trước đây, do quá trình thực hiện dự án BT có nhiều vấn đề nên chúng ta đã bỏ hình thức này trong quá trình xây dựng và thông qua Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP). Nhưng tôi cho rằng mô hình này hoàn toàn không có lỗi, vấn đề là trong quá trình thực hiện chúng ta chưa đủ minh bạch, chưa thực sự công khai. Giải pháp đưa ra là phải giải quyết được các vấn đề trong thực hiện chứ không phải là cấm hẳn một hình thức đầu tư.
Tôi ủng hộ việc sửa luật PPP theo hướng đưa lại hình thức BT nhưng phải theo cách thức công khai, minh bạch, tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư… Đã là nhà đầu tư tham gia đương nhiên họ phải có lợi nhưng là cái lợi chính đáng, phù hợp. Chúng ta không nên kỳ thị việc nhà đầu tư được lợi bởi khi họ được lợi thì người dân, Nhà nước cũng có lợi.
Tâm thế phản ứng chính sách rất quan trọng
. Câu chuyện “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực”… được nhắc đến từ nhiều năm nay. Đây cũng là định hướng từ đầu nhiệm kỳ của QH và Chính phủ. Hội nghị Trung ương 10 và lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước mới đây cũng nhắc lại tinh thần này. Vậy làm thế nào để thời gian tới không còn phải nhắc đến những “khó khăn, vướng mắc” đó nữa?
+ Theo tôi, luôn luôn sẽ có những vướng mắc pháp lý vì thực tiễn cuộc sống luôn thay đổi rất nhanh, nhanh hơn pháp luật, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ đang tiến bộ như vũ bão. Vấn đề là thái độ phản ứng, cách tiếp cận chính sách của chúng ta.
Khi đó, tìm các giải pháp để thúc đẩy DN phát triển, kinh tế đi lên hay chỉ tập trung tìm giải pháp an toàn, giảm thiểu trách nhiệm cho bộ máy Nhà nước, cho nhà quản lý? Nếu như khi xây dựng pháp luật luôn tìm tòi các giải pháp để hỗ trợ cho phát triển DN, kinh doanh thuận lợi thì cách thức giải quyết khó khăn cũng sẽ khác. Như thủ tục đầu tư đặc biệt ở trên, rõ ràng là một cách tiếp cận chủ động và rất khác.
Tôi thực sự trông chờ vào sự thay đổi cách thức làm chính sách hiện nay, bộ máy chúng ta không chỉ nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, rào cản, vướng mắc… mà phải tìm ra các giải pháp để tạo thuận lợi cho sự phát triển. Khi nói đến việc tạo thuận lợi, tăng cạnh tranh, chính sách thông minh… thì vai trò chủ động, vị thế của cơ quan hoạch định chính sách cũng sẽ khác.
Một người bạn của tôi làm trong Chính phủ Singapore chia sẻ rằng bộ máy của họ có nguyên tắc 7 phút, nghĩa là thủ tục, quy trình nào khiến người dân, DN phải chờ đợi hơn 7 phút là đang có vấn đề và cần phải nghiên cứu giải pháp để rút ngắn, giảm thiểu. Đây thực sự là điều rất đáng suy nghĩ.
. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mới đây có nói về lãng phí và coi lãng phí trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là một lãng phí đang nổi lên “gay gắt”.
+ Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ ra rất rõ và sâu sắc về biểu hiện lãng phí mà việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật gây ra. Văn bản pháp luật nếu không tốt sẽ tạo ra chi phí thực thi rất lớn cho người dân, DN, tạo thêm bộ máy và chi phí vận hành cho cơ quan nhà nước. Đặc biệt, nó kìm hãm sự phát triển, kìm hãm sự năng động, sáng tạo của người dân, DN cũng như sự vận hành hiệu quả của thị trường.
Nếu nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam trong hơn 30 năm trở lại đây thì thấy sự phát triển của DN, của nền kinh tế luôn gắn liền với những văn bản pháp luật có tính chất cởi trói, tháo bỏ các ràng buộc. Điều này mới thấy các văn bản pháp luật có vai trò quan trọng và đóng góp tới sự phát triển như thế nào.
Chẳng hạn, Luật DN 1999 trao quyền tự do cho người dân thành lập DN dẫn tới bùng nổ thành lập DN tư nhân; Luật Đầu tư 2005 và Nghị định hướng dẫn tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương đã tạo ra sự năng động, sáng tạo trong thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh cấp địa phương; Chương trình cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính giai đoạn 2016 - 2017 tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ những năm sau đó…
Từ những bài học quá khứ cho chúng ta kinh nghiệm là hoàn toàn có thể khơi thông được các nguồn lực xã hội từ chính sách, pháp luật.
Tôi được biết, Bộ Chính trị đã giao QH nhiệm vụ chủ trì xây dựng Đề án quan trọng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản pháp luật theo hướng này. Mục tiêu quan trọng mà Đề án này hướng tới là quy trình xây dựng văn bản pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi và hiệu quả. Chắc chắn đích đến của Đề án này sau khi được thông qua và thực hiện sẽ góp phần giảm tình trạng được phản ánh trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tô Lâm.