Công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Công Thương năm 2024

Chi Chi | 24/12/2024

Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, kinh tế xã hội đất nước đã có bước phát triển tích cực với nhiều điểm sáng; hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng GDP hơn 7%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo niềm tin mới cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta...
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hướng tới mốc 800 tỷ USD, tăng 15%, cao gần gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch.

Trong thành tích chung đó, ngành Công thương đã dồn sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, đột phá để đóng góp chủ lực vào bức tranh tăng trưởng kinh tế với nhiều kết quả ngoạn mục.

Trên cơ sở bình chọn của các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan báo chí ngành Công thương, ngày 23/12/2024, Bộ Công Thương công bố 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024 gồm:

1. Năm đột phá trong công tác tham mưu chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp.

Cụ thể là: Quốc hội thông qua Luật Điện lực sửa đổi; Tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; tách A0 ra khỏi EVN để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Nửa đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành và ban hành Kế hoạch thực hiện 4 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Quy hoạch điện 8, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch khoáng sản; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.

2. Kỳ tích Đường dây 500 kV mạch 3 với loạt kỷ lục về thời gian thi công, khối lượng công việc, huy động nguồn lực, cơ chế giải quyết vướng mắc; ngành Dầu khí hướng tới vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng doanh thu 2024; phát triển chuỗi dự án dầu khí và điện gió ngoài khơi cùng dấu ấn nhiều công trình năng lượng trọng điểm.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành cùng với các tuyến đường dây 500 kV mạch 1 & 2 sẽ trở thành trục xương sống quan trọng, góp phần cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn mới.

Với kết quả sản xuất kinh doanh 11 tháng cơ bản hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu trọng yếu, đạt 903.843 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) quyết tâm thực hiện kế hoạch, hướng tới mục tiêu vượt 1 triệu tỷ đồng năm 2024 và chuẩn bị động lực cho mục tiêu tăng trưởng hơn 10% trong năm 2025.

Đặc biệt, Petrovietnam đã triển khai các dự án trọng điểm quy mô siêu lớn, phức tạp, công nghệ cao như chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn và dự án Lạc Đà Vàng.

Kỳ tích đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối
Kỳ tích đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối

3. Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD.

Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hướng tới mốc 800 tỷ USD, tăng 15%, cao gần gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao là khoảng 6%; trong đó xuất khẩu trên 400 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, khoảng gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.

4. Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.

Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4%, cao hơn rất nhiều so với con số tăng trưởng 0,9% của cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trở lại vai trò là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Sản xuất công nghiệp cũng phục hồi và tăng trưởng trên diện rộng, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

5. Đột phá khai mở thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi, Nam Âu và thị trường Halal với việc đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA), mở cánh cửa lớn triển vọng ký kết loạt FTA mới.

Đây là FTA đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả-rập, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với UAE. Hiệp định CEPA đã nâng tổng số FTA của Việt Nam đã ký kết và đàm phán lên 19 FTA; mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.

Hiệp định mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal - một thị trường rộng lớn.. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt hơn 7.000 tỷ USD năm 2024, dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. 

6. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 9% tổng mức hàng hoá tiêu dùng và 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam, giữ vững vị trí Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Hiện quy mô thị trường thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước và giúp Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

7. Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc 9%, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; là trụ đỡ để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô.

Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 9% so với năm 2023, đạt mục tiêu kế hoạch ở mức cao. Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%; tại hệ thống phân phối nước ngoài là 80 - 90%; tại hệ thống chợ là 60 - 65%...

8. Đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại theo hướng đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và bền vững; nâng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam lần đầu vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh” với hàng ngàn sự kiện xúc tiến thương mại được tổ chức ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp vùng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành lớn trên thế giới, các hội nghị giao thương ở trong nước và trên khắp thị trường xuất khẩu trọng điểm, các thị trường có FTA thế hệ mới, thị trường tiềm năng... đã giúp định vị, quảng bá nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, ngành hàng, giúp khơi thông dòng chảy hàng hóa Việt.

Theo báo cáo của Brand Finance năm 2024, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao so với năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về phần trăm giá trị thương hiệu hai con số.

9. Phòng vệ thương mại tích cực, chủ động, vững chắc, xử lý thành công hầu hết vụ việc, bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.

Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nhờ đó, công tác xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2024 như Hoa Kỳ chấm dứt điều tra phòng vệ thương mại với tủ gỗ, nhôm đùn ép, bánh xe kéo bằng thép; các doanh nghiệp hợp tác được hưởng thuế 0% trong vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn tránh pin năng lượng mặt trời…, giúp nhiều ngành hàng giữ được thị trường xuất khẩu. Bộ Công Thương đã tham mưu và chủ trì, xử lý thành công phần lớn trong hơn 100 vụ việc từ những năm trước vẫn đang trong quá trình điều tra/rà soát áp dụng biện pháp.

10. Chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong

Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, Bộ đã tiếp tục cơ cấu tại tổ chức, kết thúc hoạt động của Tổng cục Quản lý thị trường, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản nhiều cục, vụ chức năng và các trường, viện, đơn vị sự nghiệp; giảm số công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính; hướng tới một mô hình quản lý, hoạt động hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bộ Công Thương chủ động đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ.

Theo Vneconomy