Chuyên gia: Việt Nam nên sớm khởi động lại dự án điện hạt nhân
Thanh Thương | 24/10/2024
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, Việt Nam cần khởi động lại chương trình điện hạt nhân, tuy nhiên cần có chủ trương để có sự chuẩn bị tốt từ sớm.
Ngày 22/11/2016, Quốc hội quyết định dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau nhiều năm chuẩn bị, triển khai một số dự án thành phần. Giải thích việc dừng dự án khi đó, Chính phủ cho biết không phải do vấn đề công nghệ, an toàn mà điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với lúc quyết định đầu tư dự án.
Mặt khác, Việt Nam thời điểm đó cũng tập trung nguồn vốn đầu tư ưu tiên một số dự án trọng điểm quốc gia và một số dự án, chương trình quan trọng như xử lý kịp thời, cấp bách vấn đề biến đổi khí hậu.
Sau gần 8 năm, trước bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống dần cạn kiệt, để bảo đảm sự ổn định của hệ thống điện quốc gia, Thường trực Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới.
"Từ đó đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới, bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định", thông báo kết luận về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, gió ngoài khơi của Thường trực Chính phủ ngày 12/9 nêu rõ.
"Điện hạt nhân là nền tảng tốt để phát triển điện tái tạo"
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - cho rằng Việt Nam cần sớm khởi động lại chương trình điện hạt nhân.
Dẫn chứng từ nhiều quốc gia, ông Thành cho biết xu thế của thế giới đang quay lại điện hạt nhân (ngoại trừ Đức) để chống biến đổi khí hậu, cân bằng phát thải CO2. Điện hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2 (tương đương điện gió, thủy điện), con số phát thải chỉ từ quá trình sản xuất chế tạo thiết bị, nhiên liệu.
"Xu hướng hiện nay của nhiều nước là điện hạt nhân (vận hành nền cho hệ thống điện) cùng điện tái tạo (vận hành thời điểm nhu cầu cao nhất của hệ thống điện). Điện hạt nhân là nền tảng tốt để phát triển điện tái tạo vì hệ thống điện cần có nguồn điện ổn định để đảm bảo hệ thống vận hành tin cậy (không bị rã hệ thống điện do tính bất ổn định của nguồn điện trong hệ thống)", vị chuyên gia phân tích.
Tương tự, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng cho rằng Việt Nam nên cân nhắc khởi động lại chương trình điện hạt nhân.
Theo Quy hoạch điện 8, Việt Nam sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030, nhà máy điện khí sau năm 2035. Theo đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo là điện gió, điện mặt trời tiếp tục ưu tiên phát triển để đảm bảo giảm phát thải carbon và mục tiêu cam kết tại COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050.
"Điện gió có điện gió trên bờ và ngoài khơi. Tuy nhiên, điện gió trên bờ chiếm khá nhiều diện tích đất để lắp đặt tuabin, nhất là các dự án có quy mô lớn. Do đó, trong tương lai sẽ hướng đến phát triển điện gió ngoài khơi, sử dụng điện được tạo ra bởi các tuabin gió để điện phân nước ra khí hydro, oxy", ông Lâm nói, đồng thời khẳng định đây là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, để làm được điện gió ngoài khơi sẽ gặp rất nhiều khó khăn từ kinh phí đến kinh nghiệm. Hiện cũng chỉ có một số quốc gia thực hiện thành công như Trung Quốc.
"Do đó, trong ngắn hạn, Việt Nam phải đẩy nhanh phát triển điện mặt trời, tuy nhiên công tác vận hành hệ thống điện toàn quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, do tỷ trọng năng lượng mặt trời tăng cao nhưng lại có đặc tính không ổn định. Chính vì vậy, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân là hợp lý", ông nói.
Đề xuất phát triển điện hạt nhân cỡ nhỏ
Thực tế, trong văn bản gửi các bộ, ngành và các bên liên quan đề nghị tham gia ý kiến cho dự thảo báo cáo Thủ tướng về đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện 8 hồi đầu tháng, Bộ Công Thương đã tính đến phương án tăng phát triển điện mặt trời, nghiên cứu giải pháp phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô-đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi.
Theo đó, cơ quan quản lý chỉ rõ rất có thể hệ thống điện sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh cung ứng điện.
Bộ Công Thương cho rằng với lợi ích, điều kiện thuận lợi của năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô-đun nhỏ (bằng 1/3 công suất phát của các lò phản ứng điện hạt nhân truyền thống), cộng với việc nhiều nước đang triển khai nguồn điện này, thì việc Việt Nam nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô-đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai là có thể xem xét.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cũng cho rằng điện hạt nhân hiện nay "phải quan niệm khác xưa". Năm 2016, dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận áp dụng công nghệ của Nga và Nhật Bản - hai quốc gia hàng đầu về công nghệ điện hạt nhân, nhưng hiện nay, thế giới không còn áp dụng.
"Nhiều quốc gia như Nga cũng bắt đầu chuyển từ điện hạt nhân quy mô lớn sang làm điện hạt nhân quy mô, công suất nhỏ có giá thành thấp hơn. Việt Nam khôi phục điện hạt nhân nhưng cần phát triển điện hạt nhân kiểu mới, phù hợp với điều kiện của đất nước", ông Lâm nói và cho rằng Việt Nam nên đặt vấn đề nghiên cứu từ bây giờ thì tương lai mới đảm bảo đủ, an toàn hệ thống điện.
Thực tế, với mục tiêu giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, tại Trung Quốc, quốc gia láng giềng của Việt Nam đã đặc biệt quan tâm phát triển điện hạt nhân. Quốc gia này đã trở thành nước thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ) về số lượng lò phản ứng đang hoạt động, sản lượng điện hạt nhân. Đồng thời là nước có số lượng lò phản ứng đang xây dựng nhiều nhất thế giới (28/62).
Từ tháng 9/2022, Trung Quốc cũng đã xây dựng lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ Linglong-1 ở tỉnh đảo Hải Nam, miền nam nước này. Đây là loại lò phản ứng đầu tiên trên thế giới được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phê duyệt.
Việt Nam cần làm gì để khởi động lại điện hạt nhân?
Theo lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, điện hạt nhân cần có sự chuẩn bị lâu dài, ít nhất khoảng 12-15 năm. Đó là đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực về công nghệ, an toàn điện hạt nhân, chuẩn bị hệ thống pháp quy hạt nhân đầy đủ, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc triển khai dự án, xây dựng năng lực khoa học công nghệ, quản lý dự án, công nghiệp...
"Việc có chủ trương để bắt đầu sớm sự chuẩn bị tốt là yếu tố quan trọng cho việc thực hiện thành công các dự án điện hạt nhân", ông Thành khẳng định.
Vị chuyên gia cho biết nhân lực đội ngũ cán bộ về điện hạt nhân đang mất dần đi nhanh chóng. Trong 50 năm qua, Việt Nam đã đào tạo đội ngũ cán bộ hạt nhân khoảng 1.000 người, qua nhiều thời kỳ, trong đó gần đây (2005-2020) đào tạo tổng cộng khoảng 400 cán bộ điện hạt nhân mới.
"Tuy nhiên, đa số trong số họ đang làm việc ở những lĩnh vực khác với ngành học chuyên môn. Đây là lãng phí lớn nếu Việt Nam không sớm xây dựng chương trình đào tạo lại cán bộ ngành hạt nhân theo định hướng của Nhà nước, để dần dần củng cố đội ngũ cán bộ. Muốn làm được, cần có chủ trương về điện hạt nhân", Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh đó, ông Thành chỉ ra thực trạng Việt Nam đang mất dần sự hợp tác tích cực, hiệu quả về hạt nhân nói chung và điện hạt nhân nói riêng với các cường quốc hạt nhân (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Nga...).
"Do đó, việc có chủ trương sớm cho phép Việt Nam khôi phục lại các quan hệ hợp tác từ trước với các nước, trên cơ sở đó đẩy mạnh đào tạo nhân lực, nghiên cứu công nghệ, an toàn hạt nhân, xây dựng năng lực quốc gia để có thể thực hiện thành công chương trình điện hạt nhân nếu Việt Nam cần và quay trở lại", vị chuyên gia lưu ý.
Ông Thành thừa nhận dù việc triển khai chương trình điện hạt nhân khó, yêu cầu cao, khắt khe, nhưng vị này khẳng định một chương trình điện hạt nhân thành công sẽ đưa năng lực khoa học, công nghệ, năng lực công nghiệp của đất nước lên tầm cao mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và là tiềm lực quốc gia. Quá trình phát triển điện hạt nhân tại nhiều nước trên thế giới đã chứng minh điều đó.
Theo ông Nguyễn Đức Lâm, yếu tố an toàn cũng phải cần lưu ý khi khôi phục lại chương trình điện hạt nhân. Yếu tố an toàn của điện hạt nhân rất khắt khe, nghiêm ngặt, đặc biệt sau những bài học kinh nghiệm xương máu từ thảm họa Fukushima ở Nhật Bản. Cần bảo đảm an toàn, không phát sinh sự cố bởi hệ lụy rất lớn.
"Bên cạnh đó, hệ thống lưu trữ, xử lý chất thải hạt nhân cũng cần tính toán, cân nhắc kỹ bởi nó có tính phóng xạ và có thể vẫn độc hại trong hàng nghìn năm. Vì vậy việc xử lý chất thải cẩn thận để bảo vệ con người, môi trường rất quan trọng", ông nhìn nhận.
Theo ông Lâm, những thanh nhiên liệu lò phản ứng đã qua sử dụng phải chôn dưới đất khoảng 500 năm, đặc biệt hệ thống bê tông phải rất dày, không để xảy ra sự cố. Do đó, việc tìm vị trí chôn cũng không phải đơn giản.
Về vị trí đặt các nhà máy điện hạt nhân, vị chuyên gia cũng đánh giá là một vấn đề lớn. Điều quan trọng là phải đặt xa khu dân cư, khu công nghiệp, bảo đảm an toàn cho dân cư trên địa bàn, đồng thời bảo đảm an ninh cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân, giảm thiểu hậu quả khi xảy ra sự cố.
"Tìm vị trí cho nhà máy điện hạt nhân khó hơn nhiều so với tìm vị trí đặt nhà máy nhiệt điện than. Địa điểm không những phải bảo đảm an toàn cho nhà máy, mà còn phải đáp ứng tính hợp lý về kinh tế xây dựng, giảm thiểu tác động tới môi trường, đồng thời được người dân địa phương chấp thuận", ông nói.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết nhiều quốc gia còn đặt các nhà máy điện hạt nhân nổi có công suất thấp ở ngoài khơi như Trung Quốc, Nga... "Việc khôi phục chương trình điện hạt nhân rất hợp lý nhưng cần xem xét, tính toán phù hợp. Điện hạt nhân có nhiều ưu điểm song cũng không ít rủi ro, do đó Chính phủ, cơ quan chức năng phải cân đối", vị chuyên gia lưu ý.