10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người giàu

Bình Minh | 18/07/2025

Năm nay là năm thứ ba liên tiếp Singapore giữ vị trí là thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người có giá trị tài sản ròng cao (HNWI) - theo Báo cáo Tài sản và Lối sống Toàn cầu 2025 của ngân hàng Thụy Sỹ Julius Baer...
Một góc Singapore - Ảnh: Reuters.

Báo cáo trên dựa vào Chỉ số Lối sống Julius Baer (Julius Baer Lifestyle Index) - một thước đo so sánh giá cả của 20 hàng hóa và dịch vụ phổ biến đối với người tiêu dùng giàu có tại 25 thành phố lớn trên thế giới như xe hơi, trang sức, tư vấn luật và trường tư. Báo cáo cũng sử dụng dữ liệu từ một cuộc khảo sát có sự tham gia của 360 cá nhân HNWI - được định nghĩa là những người có tài sản có thể gửi ngân hàng đạt từ 1 triệu USD trở lên.

Năm nay là năm thứ 6 Julius Baer thực hiện báo cáo thường niên này. Bản báo cáo được công bố trong bối cảnh bất định kinh tế và địa chính trị toàn cầu gia tăng, đi kèm với đó là xu hướng cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Việc thu thập dữ liệu của nghiên cứu được hoàn tất trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu, nên các biến động thị trường sau đó chưa được phản ánh vào dữ liệu năm nay - báo cáo cho biết.

Đáng chú ý, báo cáo ghi nhận mức giảm 2% tính theo USD về chi phí trong lối sống của tầng lớp HNWI toàn cầu. Điều này rất quan trọng vì “trước đây, giá tiêu dùng cao cấp đã tăng với tốc độ gấp đôi so với giá tiêu dùng trung bình” - báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng nói rằng mức giảm từ 1% trở lên phản ánh những khó khăn mà phân khúc hàng hóa và dịch vụ cao cấp phải đối mặt. “Một trong những động lực lớn nhất của sự sụt giảm này là sự giảm giá của các hàng hóa và dịch vụ liên quan tới công nghệ, diễn ra ở tất cả các khu vực địa lý”, báo cáo cho biết.

Ngược lại, theo báo cáo, giá vé máy bay hạng thương gia và đồng hồ xa xỉ đã tăng mạnh lần lượt 18,2% và 5,6% trong năm qua.

Và cuối cùng, chi tiêu của những người có giá trị tài sản ròng cao trên toàn cầu được khảo sát trong nghiên cứu vẫn tăng so với năm trước, mặc dù tốc độ tăng có chậm lại. Trong đó, châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất so với các khu vực khác gồmTrung Đông, Mỹ Latin, Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương.

Dưới đây là 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người giàu trên toàn cầu, theo Julius Baer:

  1. Singapore
  2. London
  3. Hồng Kông
  4. Monaco
  5. Zurich
  6. Thượng Hải
  7. Dubai
  8. New York
  9. Paris
  10. Milan

Năm nay, châu Âu chiếm 5/10 thành phố đắt đỏ nhất để sinh sống đối với giới giàu, trong đó London dẫn đầu nhóm, xếp thứ hai trên toàn cầu. London luôn có vị trí cao trong xếp hạng này hàng năm, và theo báo cáo, đó một phần là do vị thế của thành phố là một trung tâm tài chính toàn cầu hiện đại và mang tính quốc tế với “lịch sử, mức độ đáng sống, văn hóa và sự quyến rũ”.

Dubai đã có một bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 năm ngoái lên vị trí thứ 7, chủ yếu là do giá bất động sản, xe hơi và rượu sâm panh tăng - báo cáo cho biết.

Trái lại, Thượng Hải đã tụt xuống vị trí thứ 6 từ vị trí thứ 4, một sự sụt giảm mạnh so với vị trí dẫn đầu của thành phố này vào năm 2022. Đáng chú ý, chỉ có một thành phố của Mỹ là New York lọt vào top 10.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực dẫn đầu bảng xếp hạng, với Singapore và Hồng Kông chiếm 2/3 vị trí dẫn đầu của top 10.

“Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một trong những khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. GDP thực tế của khu vực tăng trưởng 4,5% trong năm 2024, giảm tốc nhẹ so với mức 5,1% của năm 2023 nhưng vẫn vượt mức trung bình toàn cầu là 3,3%”, bà Jen-Ai Chua - chuyên gia phân tích tại Julius Baer - giải thích về sự vượt trội của khu vực này trong xếp hạng.

“Các yếu tố nền tảng vững chắc đã tạo tiền đề cho sự gia tăng của cải nhanh chóng trong khu vực. Số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng cao ở châu Á ước tính tăng 5%, đạt 855.000 người trong năm 2024”, bà Chua nói thêm.

Có một điều thú vị là dù giữ vững vị trí là thành phố đắt đỏ nhất đối với giới nhà giàu, Singaproe vẫn là một địa chỉ rất đáng sống. Theo báo cáo, quốc gia này là lựa chọn hàng đầu cho việc di cư và định cư nhờ môi trường chính trị ổn định, an ninh tổng thể và chất lượng cao về chăm sóc sức khỏe cũng như giáo dục.

Ngoài ra, đảo quốc sư tử cũng đang trở thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe, “mở hàng loạt khu vườn trị liệu để hỗ trợ du khách quan tâm đến trải nghiệm chăm sóc sức khỏe tinh thần” - báo cáo cho biết. Điều này diễn ra trong bối cảnh xu hướng tầng lớp nhà giàu ngày càng chú trọng việc nâng cao tuổi thọ.

Hầu như tất cả những người HNWI được khảo sát đều quan tâm đến tuổi thọ và sống khỏe mạnh khi về già, với 87% tỷ lệ người trả lời ở Bắc Mỹ và 100% ở châu Á-Thái Bình Dương cho biết đang tích cực thực hiện các biện pháp để kéo dài tuổi thọ. Điều này bao gồm từ việc thay đổi lối sống như tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống lành mạnh đến việc đầu tư vào các phương pháp như liệu pháp gen.

Những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao này cũng quan tâm đến tuổi thọ tài chính. Theo báo cáo, “đại đa số những người được hỏi ở tất cả các khu vực đều nhận thấy giá trị tài sản chung tăng lên, và một tỷ lệ tương tự cho biết họ sẽ điều chỉnh chiến lược quản lý tài sản nếu họ sống lâu hơn dự kiến 10 năm trở lên”.

Theo Vneconomy